Cờ tướng Việt Nam khác tượng kỳ Trung Hoa ở những điểm nào?

Bắt nguồn từ Saturanga, một loại cờ cổ được phát minh ở Ấn Độ vào khoảng thế kỷ 5 đến thế kỷ 6, trở thành cờ vua khi đến phương Tây và trở thành cờ tướng khi lưu lạc đến phương Đông, sau nhiều thời gian phiêu bạt giang hồ, môn cờ này có nhiều biến thể và được phát triển ở nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam.
Cờ tướng Việt Nam du nhập từ Trung Quốc từ thời kỳ Bắc thuộc (từ năm 179TCN-939).  Song ở thời kỳ độc lập tự chủ, nhất là từ khi Ngô Quyền xưng vương vào năm 939, cờ tướng Việt Nam đã có những sự khác biệt rõ rệt so với cờ tướng Trung Hoa.

1. Khác nhau về tên gọi
Từ cổ xưa cho đến tận bây giờ người Việt Nam vẫn dùng thuật ngữ “Cờ Tướng” để chỉ môn cờ mà ở đó có 32 quân (mỗi bên gồm 16 quân viết bằng chữ Hán với 1 Tướng, 2 Sĩ, 2 Tượng, 2 Xe, 2 Pháo, 2 Mã và 5 Tốt), được bày trên một bàn cờ với 10 đường kẻ ngang và 9 đường kẻ dọc, có cửu cung ở giữa và có dòng sông (được gọi là hà) ngăn đôi ở giữa bàn cờ. Người Việt Nam gọi tên môn cờ này theo tên gọi của quân Tướng là quân quan trọng nhất trên bàn cờ, đó là “Cờ Tướng” (General Chess).
Tuy nhiên, cờ này ở Trung Hoa được gọi là “Tượng kỳ” theo nghĩa chữ Hán là cờ hình tượng (không phải vì có quân Tượng trên bàn cờ). Tên gọi này bắt nguồn từ khi trò chơi Chaturanga mới du nhập vào Trung Hoa, khi đó các quân cờ có hình tượng và có độ cao như cờ Vua ngày nay. Sau này khi chuyển đổi thành quân cờ tròn và dẹt, có chữ Hán viết ở trên, người Trung Hoa vẫn giữ nguyên tên gọi là “Tượng kỳ” (Xiangqi).
2. Khác nhau về tên gọi của các quân cờ
Từ xa xưa ở Việt Nam xuất hiện 2 loại trò chơi giống hệt nhau là co tuong và trò chơi có tên gọi “Tam cúc”
Trong bộ bài Tam cúc có 32 quân, gồm 16 quân đỏ và 16 quân đen. Mỗi bên có 1 Tướng, 2 Sĩ, 2 Tượng, 2 Xe, 2 Pháo, 2 Mã và 5 Tốt. Chữ Hán dùng để thể hiện 7 loại quân này giống hệt nhau ở cả 2 bên và chỉ khác nhau về mầu sắc (đỏ và đen).

Cờ tướng Việt Nam khác tượng kỳ Trung Hoa ở những điểm nào?

Từ cổ chí kim 7 loại quân cờ trên bàn cờ Tướng Việt Nam vẫn thống nhất với tên của 7 loại lá bài trong bộ Tam cúc Việt Nam là: Tướng, Sĩ, Tượng, Xe, Pháo, Mã, Tốt và cách viết chữ Hán cổ (Tiếng Việt cổ của người Việt Nam bao gồm 3 loại chữ: Hán, Nôm và chữ quốc ngữ) trên 7 loại quân cờ Tướng và trên bộ bài lá Tam cúc là thống nhất hoàn toàn cho cả 2 bên và chỉ phân biệt bằng màu (đỏ và đen, trắng và đen, đỏ và xanh…): Đó là bộ quân cờ Tướng của Việt Nam.



Cờ tướng Việt Nam khác tượng kỳ Trung Hoa ở những điểm nào?
Cờ tướng Việt Nam khác tượng kỳ Trung Hoa ở những điểm nào?



Về tên gọi của quân cờ trong cách ghi biên bản ván cờ Tướng bằng tiếng Việt hiện nay và trước đây, ghi ký hiệu viết tắt thống nhất cho cả 2 bên, được quy ước như sau:
Tướng = Tg    Sĩ = S    Xe = X    Mã = M    Tượng = T    Pháo = P    Tốt = B
Có một thời (ở nửa sau của thế kỷ 20) chúng ta đã quy định Tượng viết tắt là V (tức Voi) và Tốt viết tắt là T. Cách quy định này tránh được sự trùng lặp và lại giữ được sự trong sáng của tiếng Việt. Song từ năm 1999, sau khi có Luật cờ Tướng sửa đổi cách ghi biên bản với quân Tượng là T và với quân Tốt là B (tức Binh, âm Hán cũng có nghĩa là người lính, tức Tốt). Ghi theo cách này chúng ta đã vay mượn chữ Hán (tức Trung Hoa hóa) cả 2 từ Tượng và Binh để chỉ tên gọi của quân cờ.
Trong khi đó, quân “Tượng kỳ” (cờ Tượng) của Trung Hoa lại có sự khác nhau trong cả cách viết chữ Hán lẫn mầu sắc của 7 loại quân cờ của 2 bên. Từ nhiều thế kỷ qua đến tận bây giờ ở Trung Hoa tồn tại 2 loại bộ quân Tượng kỳ có cách viết chữ Hán khác nhau.
Loại thứ nhất, một bên có 7 loại quân là Tướng, Sĩ, Tượng, Xe, Pháo, Mã, Binh (Hình 5, nhóm 7 quân bên dưới), còn bên kia có 7 loại quân là Soái, Sĩ, Tương, Xe, Pháo, Mã, Tốt.
cotuongvietnamvatuongkytrunghoacodiemgikhacnhau2

Như vậy cả 7 loại quân cờ của 2 bên khác nhau hoàn toàn về chữ viết. Loại quân Tượng kỳ này thường được lưu hành ở vùng nói tiếng Quảng Đông, chủ yếu là ở vùng Đông Nam Trung Hoa xưa, Hồng Kông, Ma Cao…
Loại thứ hai, một bên có 7 quân là Tướng, Sĩ, Tượng, Xe, Pháo, Mã, Tốt (Hình 6, 7 quân bên trên), còn bên kia có 7 loại quân là Soái, Sĩ, Tương, Xe, Pháo, Mã, Binh (Hình 6, 7 quân bên dưới). Như vậy 2 bên có 3 loại quân Xe, Pháo, Mã viết chữ Hán giống hệt nhau, song 4 loại quân còn lại có chữ Hán viết khác nhau. Loại quân Tượng kỳ này thường được lưu hành ở khu vực nói tiếng phổ thông Trung Hoa (miền Bắc, Trung và Tây Nam Trung Hoa, là khu vực đa dạng ngôn ngữ được biết đến dưới tên chung là tiếng Quan Thoại; Đài Loan; Đây cũng là 1 trong 4 ngôn ngữ chính thức tại Singapore).


Như vậy khi thi đấu cờ Tướng ở Việt Nam mà lại dùng quân của 1 trong 2 loại bộ Tượng kỳ Trung Hoa thì thật là khập khiễng, nhất là khi ghi biên bản ván cờ, chữ viết tắt của 2 bên như nhau (Tướng: Tg, Sĩ: S, Tượng: T, Xe: X, Pháo: P, Mã: M, Tốt: B), trong khi tên quân cờ chữ Hán lại khác nhau, nghĩa dịch sang tiếng Việt cũng khác nhau thì quả là điều bất cập!
Vậy là ở Việt Nam chỉ có 1 loại bộ quân cờ Tướng truyền thống, với 7 loại quân Tướng, Sĩ, Tượng, Xe, Pháo (bộ thạch), Mã, Tốt được viết bằng chữ Hán, giống nhau cho cả 2 bên, song chỉ khác nhau về màu sắc. Còn ở Trung Hoa có 2 loại bộ quân Tượng kỳ, với 7 loại quân cờ được viết bằng chữ Hán khác nhau cho cả 2 bên, đồng thời cũng khác nhau về mầu sắc. Một loại bộ quân Tượng kỳ thường dùng ở vùng nói tiếng Quảng Đông, loại bộ quân Tượng kỳ còn lại thường dùng ở vùng nói tiếng phổ thông Trung Hoa.
Đó là sự khác nhau thứ 2, giữa bộ quân cờ Tướng Việt Nam và bộ quân Tượng kỳ Trung Hoa.

3. Sự khác nhau về cách ghi biên bản ván cờ

Từ khi mới bước chân vào Việt Nam cho đến cuối năm 1954, biên bản ván cờ tướng vẫn được giữ nguyên gốc của nó. Tuy nhiên, sau năm 1954, cách ghi biên bản này đã được thay đổi để phù hợp với lối chơi của người Việt Nam, cách ghi biên bản này còn tồn tại cho đến ngay nay.

Trên bàn cờ Tướng Việt Nam xưa, 9 cột dọc được ký hiệu bằng chữ in hoa, thứ tự từ trái qua phải là: A, B, C, D, Đ, E, G, H, I; Còn 10 hàng ngang được ký hiệu bằng số, thứ tự từ dưới (bên đi trước) lên (bên đi sau) là: 10, 9, 8, 7, 6, 5, 4, 3, 2, 1 (xem hình 4 bên trên).
Hình 4 là ảnh chụp ván cờ của trận chung kết Giải vô địch cờ Tướng chợ phiên Hà Nội 1953, thi đấu tại khu vực Võ sĩ đoàn, đối diện với nhà hàng Thủy Tạ bên bờ hồ Hoàn Kiếm, giữa danh thủ Nguyễn Tấn Thọ (Hà Nội, bên đi trước) và danh thủ Đặng Đình Yến (Hà Nội, bên đi sau, người đã thắng ván cờ này và đoạt giải quán quân 1953). Sau 4 nước đi đầu tiên biên bản ván cờ được ghi (theo 3 cách để có sự so sánh: trước 1955, trước 1999 và từ 1999 đến nay) như sau:
Qua cách ghi biên bản ván cờ của 3 thời kỳ khác nhau ta thấy rằng cách ghi biên bản ván cờ Tướng truyền thống của Việt Nam trước năm 1955 là hết sức khoa học: ghi theo tọa độ của điểm mà quân cờ sẽ đi đến mà không cần có thêm các ký hiệu tiến, thoái, bình nữa. Cách ghi biên bản này gần giống với cách ghi biên bản cờ Vua ngày nay.
Trong khi đó cách ghi biên bản ván Tượng kỳ của Trung Hoa gần giống cách ghi biên bản của Việt Nam từ sau năm 1999. Đó là sự khác nhau thứ 3 về cách ghi biên bản ván cờ giữa cờ Tướng truyền thống của Việt Nam và Tượng kỳ Trung Hoa.

4. Sự khác nhau về tính phù hợp của 4 binh chủng hợp thành
Môn chơi thời cổ Chaturanga ở Ấn Độ có nghĩa là 4 binh chủng quân đội thời đó hợp thành: chiến xa, tượng binh, kỵ binh và bộ binh, trong đó 3 loại binh chủng chiến xa, kỵ binh và bộ binh thì rất phổ biến và hầu như quốc gia nào cũng có. Chỉ có tượng binh là binh chủng rất đặc biệt bởi đầu tiên nước đó phải có nhiều voi và sau đó voi phải được huấn luyện để tham gia chiến đấu.
Voi chiến (tượng binh) là voi được huấn luyện dưới sự chỉ huy của con người để giao chiến. Mục đích chính là tấn công đối phương, dày xéo và phá vỡ hàng ngũ của quân địch. Chúng được sử dụng đầu tiên ở Ấn Độ, sau phép dùng voi chiến lan sang vùng Đông Nam Á và Trung Đông tới tận Địa Trung Hải. Theo sử cũ Hy Lạp cổ đại, quân Ấn Độ đã dùng tượng binh chống trả khi Nữ hoàng Semiramis của Đế quốc Assyria mở cuộc hành chinh đánh sang Ấn Độ. Cyrus Đại Đế của Đế quốc Ba Tư (năm 530 TCN) và Alexandros Đại Đế của Vương quốc Macedonia (năm 326 TCN) cũng gặp phải đoàn tượng binh của Ấn Độ. Thời kỳ cổ đại, văn minh Ấn Độ đề cao giá trị của loài voi trong chiến tranh. Họ ví rằng “Quân đội mà không có tượng binh thật đáng coi thường, khác gì rừng không có sư tử, nước không có vua, hay lòng can đảm mà đánh bằng tay không” (Wikipedia, 2013). Voi chiến còn phát triển mạnh ở Myanmar, Thái Lan…
Tại Việt Nam, kỹ thuật sử dụng voi chiến đã có từ khá sớm. Các tài liệu Việt Nam và Trung Quốc từng ghi nhận trong cuộc khởi nghĩa ở Mê Linh của Hai Bà Trưng năm 40 (thế kỷ 1 sau Công nguyên) đã sử dụng lực lượng voi chiến đánh lại quân nhà Đông Hán. Rất nhiều hình ảnh ghi nhận Hai Bà chỉ huy trên mình voi (Hình 7). Một hình ảnh tương tự ghi nhận rằng Bà Triệu năm 248 cũng sử dụng voi chiến trong cuộc khởi nghĩa chống quân Ngô (thời Tam Quốc).
Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, voi chiến được xem là một lực lượng đặc biệt sử dụng trong chiến trận. Do thế phòng thủ trước các triều đại phương Bắc, vốn không có tượng binh, thì ưu thế của phía Việt Nam về lực lượng tượng binh là rõ rệt, chẳng hạn như việc sử dụng tượng binh trong chiến dịch nghĩa quân Lam Sơn ra Bắc hay quân Tây Sơn công phá thành Ngọc Hồi vào ngày mùng 5 tết Kỷ Dậu, 30/1/1789. Sự phát triển vượt bậc chính là sự kiện vua Quang Trung đã đặt pháo trên lưng voi trong chiến dịch đánh thành Ngọc Hồi làm quân Mãn Thanh phải khiếp sợ. Thực tế là các lực lượng quân sự Việt Nam đã huấn luyện và sử dụng lực lượng voi chiến trong cả nghìn năm lịch sử.
Khi hình thái chiến tranh hiện đại bắt đầu, voi chiến trở nên lỗi thời trước sức mạnh của đại bác, nhà Nguyễn vẫn tiếp tục huấn luyện lực lượng voi chiến trong đội tượng binh của quân đội nhà Nguyễn. Các cuộc tử chiến giữa voi và hổ nhằm tế thần trong ngày hội và phục vụ nhu cầu giải trí tiêu khiển cho vua, quan lại và người dân vẫn được tổ chức tại Hổ Quyền (kinh thành Huế). Trận đấu voi – hổ cuối cùng được ghi nhận vào năm 1904, dưới triều vua Thành Thái (Hình 8 và 9).
Ở Trung Hoa, việc sử dụng những con voi chiến tương đối hiếm so với các nơi khác. Những ghi chép sớm nhất về việc sử dụng voi của họ diễn ra vào cuối năm 554 khi nhà Tây Ngụy triển khai hai con voi chiến mặc giáp sắt từ Lĩnh Nam trong trận chiến, điểu khiển bởi những nô lệ Mã Lai, và được trang bị tháp bằng gỗ và những thanh gươm gắn chặt vào cái vòi của chúng. Các con voi đã phải quay đầu bỏ chạy bởi các mũi tên của cung thủ.
Điều đó cho thấy tại sao khi Chaturanga vào Việt Nam được chuyển đổi thành cờ Tướng dễ được người Việt Nam chấp nhận và phổ biến nhanh chóng không chỉ ở tầng lớp trên mà cả trong quân đội và nhân dân ở tất cả các lễ hội trong mọi vùng đất nước, bởi hình ảnh quân Tượng có liên quan mật thiết đến tượng binh (voi chiến) trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Vì thế trong tiếng Việt người Việt Nam chưa bao giờ gọi quân Tượng là quân Tương (bộ Tượng kỳ của Trung Hoa có quân Tương, 相) và trong bộ cờ Tướng truyền thống của người Việt Nam chỉ có duy nhất một chữ Hán cổ của người Việt gọi là chữ Tượng (象, tức voi). Trong số các quốc gia có môn cờ Tướng phát triển thì Việt Nam và Trung Hoa là 2 quốc gia nằm trong số đó, với thời gian khoảng trên 1.300 năm, bởi cờ Tướng hình thành ở 2 nước từ thế kỷ 7-8.
Mặc dù có tới trên 1000 năm Bắc thuộc (từ năm 179TCN-939), cờ Tướng ở Việt Nam và Tượng kỳ ở Trung Hoa đã hình thành và phát triển ở thế kỷ 7-8 (trong thời kỳ Bắc thuộc bởi phong kiến phương Bắc xâm chiếm Việt Nam) song vẫn có những sự khác biệt giữa cờ Tướng ở Việt Nam và Tượng kỳ ở Trung Hoa, nhất là ở thời kỳ độc lập tự chủ hoàn toàn của Việt Nam, kể từ khi Ngô Quyền xưng vương vào năm 939.

Cờ tướng Việt Nam tuy được du nhập từ Trung Quốc vào nhưng trải qua một quá trình tồn tại trên đất Việt, cờ tướng đã được biến đổi nên có ít nhiều điểm khác biệt so với tượng kỳ Trung Hoa. Điều đó càng thêm khẳng định được những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam trong trò chơi trí tuệ này. Mong rằng, trong tương lai, cờ tướng Việt Nam sẽ có thêm những cải tiến khác nữa để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và đưa cờ tướng Việt Nam tiếp tục đi trên những đỉnh cao.
Previous
Next Post »